Mượn công báo tư Trương_Thông

Lại bộ Lang trung Bành Trạch có tính nóng nảy nên bị mọi người chỉ trích, Thông nói với Gia Tĩnh Đế rằng năm xưa Trạch đã khuyên mình dâng lên Đại lễ hoặc vấn, nên ông ta được giữ lại. 3 ngày sau, Thông lại nói mình cùng đình thần đối kháng 4, 5 năm, chịu đến 110 tờ sớ công kích, bây giờ Đại lễ toàn thư còn chưa hoàn thành, khi nào hoàn thành thì thù oán càng sâu, nên lấy cớ bệnh tật để xin nghỉ; Gia Tĩnh Đế giáng chiếu vỗ về và giữ lại. Bấy giờ bộ Lại khuyết Thượng thư, đình thần tiến cử tiền nhiệm Thượng thư Kiều Vũ, Dương Đán; bộ Lễ cũng khuyết Thượng thư, đình thần tiến cử Thị lang Lưu Long, Ôn Nhân Hòa, còn Ôn Nhân Hòa cũng vì bổng lộc mà gắng sức tranh giành. Thông nói Kiều Vũ, Dương Đán là đồng đảng của Dương Đình Hòa, còn Ôn Nhân Hòa thì không nên tự tiến cử. Gia Tĩnh Đế mệnh rằng đại thần đã hưu trí, trừ phi phụng chiếu thì không được tiến cử, nên bọn Kiều Vũ không được dùng.

Thông căm giận đình thần, hằng ngày nghĩ kế báo thù. Gặp lúc Sơn Tây Tuần án Mã Lục xét xử vụ án thủ lãnh Bạch Liên giáoLý Phúc Đạt mưu phản, lời cung liên lụy đến Vũ Định hầu Quách Huân, pháp tư đồng ý phán quyết của Mã Lục. Thông gièm với Gia Tĩnh Đế, cho rằng đây là đình thần hãm hại thành viên phái Nghị lễ là Quách Huân. Gia Tĩnh Đế quả nhiên nghi ngờ các bề tôi vào hùa với nhau, bèn mệnh cho Thông thự chức ở Đô Sát viện, Quế Ngạc thự chức ở bộ Hình, Phương Hiến Phu thự chức ở Đại Lý tự; bọn họ phúc thẩm lần nữa, lật ngược bản án, lật nhào những ai chống đối. Đại thần Nhan Di Thọ, Niếp Hiền trở xuống bị phạt đòn, bọn Mã Lục bị kết tội, chịu trục xuất đến nơi xa (viễn thoán). Gia Tĩnh Đế càng cho rằng Thông có tài năng, khen ngợi úy lạo ông ở tiện điện, ban cho 2 bộ phẩm phục, 3 tờ Đại phong cáo. Thông nhờ kỳ Kinh sát và Hỗ củ của ngôn quan [4] để truất 13 ngự sử, nhân mình đang nắm Đô Sát viện, xin khảo sát để chỉ trích 12 người nữa. Thông lại tâu lên 7 điều cương lĩnh của Đô Sát viện, nhằm kiềm chế Tuần án Ngự sử.